Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Vụ nghi vấn "đạo luận án" phó TS: Lòng trung thực ở một nhà khoa học?

(GDVN) - Viết tiếp bài: “Nghi vấn Hiệu phó ĐH Bách khoa HN “đạo luận án”?", chúng tôi đã tiếp xúc với giới khoa học chuyên ngành để làm sáng tỏ về công trình này.
Được biết, ngay sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết  vào ngày 26/12/2013 thì ngày hôm sau (27/12), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã có buổi họp để PGS. Nguyễn Cảnh Lương giải trình về việc trên, trong buổi họp này còn có Chủ tịch Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước năm 1996 – GS. Nguyễn Đình Trí. 
Ngày 31/12/2013, chúng tôi đã có cuộc làm việc với ông Đinh Văn Hải – Trưởng phòng Công tác Chính trị Học sinh – sinh viên (người phát ngôn chính thức từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) về nội dung tố cáo PGS. Nguyễn Cảnh Lương.
Ông Hải cho biết, đây là đơn tố cáo cá nhân đối với cá nhân, cấp thấp nhất nhận được đơn tố cáo lại là Bộ GD&ĐT chứ không phải nhà trường, nên trường chỉ thực hiện công việc phối hợp với Bộ để xác minh một số thông tin theo yêu cầu từ Bộ GD&ĐT. Tất cả những thông tin cung cấp cho báo chí đều chưa có gì. Khi phóng viên đề cập tới cuộc họp ngày 27/12 thì ông Hải cũng hoàn toàn không biết về nội dung cuộc họp này.
PGS Nguyễn Cảnh Lương, Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách Khoa Hà Nội
 
Chuyên gia chỉ ra nhiều dấu hiệu “đạo luận án”
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin ở bài trước, trong Luận án phó tiến sĩ khoa học Toán – Lý (bảo vệ năm 1996) của PGS. TS. Nguyễn Cảnh Lương, hiệu phó Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có nhiều dấu hiệu “đạo luận án” của PGS. Đặng Văn Khải được bảo vệ trước đó 10 năm (năm 1986). 
Liên quan tới vấn đề chuyên môn nên chúng tôi không khẳng định đúng hay sai, cũng như giống nhau ở mức độ như thế nào. Chính vì vậy, để khách quan chúng tôi đã nhờ một chuyên gia hàng đầu (đề nghị được giấu tên) ở lĩnh vực mà PGS. Nguyễn Cảnh Lương bảo vệ để phân tích và chứng minh điểm giống nhau ở hai Luận án này. 
Sau khi đọc kỹ ở hai cuốn Luận án, vị chuyên gia này cho biết, trong giáo dục và nhất trong khoa học phải đề cao tính trung thực. Ở đây vị này hoàn toàn không bàn tới chất lượng của Luận án PGS. Nguyễn Cảnh Lương nhưng rõ ràng theo phân tích của chuyên gia thì phần hồn trong Luận án PGS. Lương có cải tiến được 2 bài mà người đi trước để lại. 
Trang 33 luận án của PGS. Đặng Văn Khải có nêu Định lý 4 (Tương tự công thức Cauchy – Green). Ảnh chụp trang luận án của PGS. Đặng Văn Khải.
Ảnh chụp trang  trang 50 luận án của PGS. Nguyễn Cảnh Lương có nêu Định lý 2.2.3 (Tương tự công thức tích phân Cauchy).
Còn lại, trong Chương II và Chương III trong Luận án PGS. Nguyễn Cảnh Lương chủ yếu “bôi” và phát triển thêm ý của PGS. Đặng Văn Khải. Tuy nhiên, vấn đề trò phát triển thêm ý của thầy là điều bình thường, nhưng còn cách trình bày thì PGS. Nguyễn Cảnh Lương hoàn toàn không trích nguồn một chút gì từ công trình của PGS. Đặng Văn Khải. 
Ngoài ra, có những chương giống nhau khiến vị này giật mình: “Chương II và một phần của Chương III trong luận án của PGS. Nguyễn Cảnh Lương giống với luận án của PGS. Đặng Văn Khải tới mức không chấp nhận được. Tôi chỉ cần họp hội đồng rồi chiếu hai bên hai Luận án lên màn hình là rõ, chỉ cần anh nào học kỹ sư Bách khoa loại khá về Toán thì thấy ngay, chứng minh không khác một tí gì” vị chuyên gia này cho hay.
Đi vào cụ thể, vị chuyên gia này chỉ rõ, tại luận án của PGS. Nguyễn Cảnh Lương, ở Chương II, mục 2.1: “Khái niệm Véc tơ chỉnh hình trong Rm (trang 39) so với luận án của PGS. TS. Đặng Văn Khải (trang 23) có ghi “Các véc tơ chỉnh hình trong không gian Rm”. Vị chuyên gia này phân tích, đồng ý trong khái niệm có thể làm giống nhau nhưng xét ở luận án PGS. Lương cần phải nói rõ là: “Theo cách xây dựng của luận án PGS. Đặng Văn Khải, chúng tôi cũng làm tương tự”, còn nếu không sẽ được coi là “lập lờ”.
Cũng theo vị chuyên gia này, tại trang 46 luận án của PGS. Nguyễn Cảnh Lương đề cập về: “Lý thuyết tích phân Cauchy”, nội dung ở đây chỉ đổi thứ tự so với trang 29 trong luận án của PGS. Đặng Văn Khải cũng nói về “Lý thuyết tích phân Cauchy”.
“Lý thuyết Cauchy có thể áp dụng chung cho mọi người, nhưng lý thuyết này phải nói rõ là áp dụng ở đâu? Nếu tích phân Cauchy chung thì lại khác nữa, đó là một sơ đồ chung từ cổ điển. Tôi chỉ biết PGS. Đặng Văn Khải đã áp dụng lý thuyết này 10 năm trước, nhưng PGS. Nguyễn Cảnh Lương áp dụng lại mà không nói rõ nguồn, tức PGS. Lương phải nói “đây là theo chứng minh của PGS. Khải” để dùng lý thuyết này cho việc khác. Đối với một người làm khoa học như vậy là không được” vị này nói.
Tại luận án của PGS. Nguyễn Cảnh Lương, ở Chương II, mục 2.1: “Khái niệm Véc tơ chỉnh hình trong Rm (trang 39) so với luận án của PGS. TS. Đặng Văn Khải (trang 23) có ghi “Các véc tơ chỉnh hình trong không gian Rm” (hình dưới). 
Vị chuyên gia cho rằng, trong làm khoa học nếu có tham khảo, trích dẫn đều phải nghi rõ nguồn, nếu không sẽ được coi là "lập lờ". 
Ngoài ra, cũng tại trang 50 của luận án PGS. TS. Nguyễn Cảnh Lương có nêu Định lý 2.2.3 (Tương tự công thức tích phân Cauchy). Và trang 33 luận án của PGS. Đặng Văn Khải có nêu Định lý 4 (Tương tự công thức Cauchy – Green), cũng hoàn toàn giống nhau.
“Tôi không cần bàn luận án này đúng hay sai, nhưng tất cả kết quả luận án của PGS. Nguyễn Cảnh Lương đã có người khác làm trước đó 10 năm, đó là PGS. Đặng Văn Khải. Trong nghiên cứu khoa học, việc kế thừa và trích dẫn là được phép nhưng đi chép lại để dừng ở đó là không được. Tôi chỉ nói vấn đề không trung thực” chuyên gia này khẳng định.
Lòng trung thực có bị lợi dụng?
Được biết, cách đây hơn 20 năm từ khi PGS. Nguyễn Cảnh Lương bảo vệ công  trình khoa học của mình (1996), ngay từ  thời đó trong vòng bảo vệ thử Hội đồng khoa học đã nhắc nhở PGS. Lương phải nói rõ hơn về việc sử dụng tư liệu tham khảo của người khác. Tuy nhiên, tới ngày bảo vệ chính thức vẫn không được PGS. Lương nhắc đến.

 
Được biết, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đã nhận được đơn tố cáo đối với PGS. Nguyễn Cảnh Lương, hiện đang trong quá trình xác minh thông tin và sớm có kết quả về vụ việc này. 
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ thông tin tiếp với đọc giả về vụ việc trên. 

 
Cụ thể, vào ngày 27/8/1996 theo Biên bản bảo vệ thử cho NCS Nguyễn Cảnh Lương về đề tài trên có 8 thành viên trong Hội đồng phản biện, do GS. Nguyễn Đình Chí là Chủ tịch có đưa ra nhiều nhận xét, trong đó có nhận xét của GS. Nguyễn Văn Mậu (là người cùng với PGS. Đặng Văn Khải hướng dẫn NCS Nguyễn Cảnh Lương) rằng: “Tại Chương II và Chương III là học lại cách làm của người khác một cách cẩn thận”. 
Ngày 29/7/1996 khi nhận xét về Luận án phó tiến sỹ của NCS Nguyễn Cảnh Lương lúc bấy giờ, GS. Hà Huy Khoái cũng đã nhấn mạnh: “Tôi biết, Đặng Văn Khải có một số nghiên cứu rất gần với đề tài luận án. Tuy nhiên, trong luận án không trích dẫn công trình nào của Đặng Văn Khải, và cũng không nói rõ mối liên quan của các kết quả của tác giả và của Đặng Văn Khải”.
Cho tới ngày 22/11/1996 Bộ GD&ĐT có Quyết định số 5398 về việc thành lập Hội đồng chấm luận án phó tiến sỹ đối với NCS Nguyễn Cảnh Lương. Chủ tịch Hội đồng lúc đó là GS. Nguyễn Đình Trí, kết quả chấm là: Xuất sắc. 
Danh sách các thành viên Hội đồng chấm luận án phó tiến sỹ đối với NCS Nguyễn Cảnh Lương năm 1996.
Sau khi sự việc xảy ra, như chúng tôi đã nêu ở trên, ngày 27/12/2013 trong cuộc họp giải trình cấp trường về luận án của PGS. Nguyễn Cảnh Lương thì PGS. Đặng Văn Khải đã có một trong những nhận xét rằng: “Các đánh giá của các thầy hướng dẫn và hội đồng chấm luận án là chính xác. Các nhắc nhở của các thầy là cần thiết. Nguyễn Cảnh Lương cần chú thích rõ ràng những phần có tham khảo, học tập theo cách làm của các tác giả khác”.
Như vậy có thể thấy, trước khi bảo vệ luận án phó tiến sỹ năm 1996 thì nhiều thầy trong hội đồng đã nhắc PGS. Nguyễn Cảnh Lương cần nói rõ công trình làm được tới đâu, tham khảo ở đâu và ở người nào để cho luận án có tính minh bạch, rõ ràng. Tuy nhiên, cho tới khi nghiệm thu luận án của PGS. Nguyễn Cảnh Lương được lưu giữ tại Thư viên Quốc gia vẫn không hề có đính chính, sửa chữa.
Trong khi đó, ở lời cam đoan, PGS. Nguyễn Cảnh Lương luôn khẳng định: “Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả trong luận án là trung thực và chưa được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác”.
Vậy, cứ cho đây là một “sơ xuất” của PGS. Nguyễn Cảnh Lương khi “quên” không làm theo lời nhắc của các thầy trong hội đồng, thì ngần ấy năm PGS. Lương không đính chính, bổ sung bản lưu tại Thư viện Quốc gia là vì lý do gì? Và theo đó, cũng ngần ấy năm nhiều độc giả, nhiều học trò, nhiều nhà khoa học, các giảng viên đại học lên tìm đọc, tham khảo và nghĩ rằng toàn bộ nội dung luận án là của PGS. Nguyễn Cảnh Lương, ở đây lòng trung thực có bị lợi dụng? 
Đối với một nhà giáo dục cũng như nhà khoa học thì yếu tố trung thực phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, ở sự việc này có điều gì đó “cố tình” không ổn, bỏ qua và không để ý tới lời nhắc của của Chủ tịch hội đồng chấm luận án, của các thành viên hội đồng lúc đó. Ở sự việc này các thành viên hội đồng hoàn toàn không có lỗi, mà do sơ xuất không kiểm tra NCS của mình có thực hiện theo yêu cầu hay không?
Chúng tôi xin mượn lời của vị chuyên gia trên để thay cho lời kết: “Vào siêu thị dù chỉ lấy một cái lược đi ra cũng là ăn cắp, chứ ở đây không thể sơ xuất được”.

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Vu-nghi-van-dao-luan-an-pho-TS-Long-trung-thuc-o-mot-nha-khoa-hoc-post136784.gd

1 nhận xét: