(GDVN) - TS Nguyễn Tiến Luận: “Điều các trường mong muốn nhất là Bộ làm thật tốt công tác hậu kiểm, đánh giá được chất sinh viên tốt nghiệp".
LTS: Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 và tổng kết năm học các trường đại học, cao đẳng: “Nếu muốn có một khâu đột phá thì trước hết cùng với đổi mới thi cử thì trước hết đột phá ở quản lý, đổi mới ngay tại Bộ GD&ĐT đầu tiên”. Để làm rõ hơn câu chuyện đổi mới giáo dục và đổi mới trong quản lý hệ thống giáo dục, PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nguyễn Trãi.
PV: Thưa TS Nguyễn Tiến Luận, ông có đồng tình với phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là cần phải đột phá ở khâu quản lý, mà cụ thể là đổi mới ngay tại Bộ GD&ĐT?
TS Nguyễn Tiến Luận: Câu chuyện đổi mới giáo dục đã được nói rất nhiều từ khi đất nước hội nhập WTO, nhưng tới giờ kết quả đạt được chưa đáng kể. Vì vậy, những người làm công tác giáo dục như chúng tôi rất cảm ơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói trúng vấn đề cốt lõi của sự đổi mới, muốn thành công phải xuất phát từ chính Bộ GD&ĐT.
TS Nguyễn Tiến Luận - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nguyễn Trãi. |
Đầu thập kỷ 90, tôi là là người đầu tiên được cấp phép đưa các em học sinh ra nước ngoài du học tự túc. Lúc đó có nhiều cơ quan chức năng đã hỏi tôi là đưa các em đi rồi thì có trở về không? Có bị tiêm nhiễm những luồng tư tưởng độc hại không? Rất nhiều rào cản được dựng lên, nhưng Chính phủ đã cho phép chúng tôi thử nghiệm mô hình đó và kết quả đã đưa gần 20.000 du học sinh ra nước ngoài, và cả nước lúc nào cũng có khoảng 100.000 du học sinh đang theo học ở nước ngoài. Điều ấy cho thấy Chính phủ rất quyết tâm đổi mới giáo dục.
Tuy nhiên, phải nói thật là xuống tới bộ ngành, địa phương thì lại chưa được như vậy. Tôi đơn cử thí dụ về vấn đề tuyển sinh, chúng ta cứ loay hoay mãi chuyện thi ba chung hay bỏ ba chung, thế rồi dẫn tới chuyện luật nói tự chủ giáo dục đại học, nhưng thực tế lại diễn ra kiểu khác, vì vẫn phải chờ đợi vào đề thi của bộ, cái sàn của bộ đề ra hàng năm, làm như vậy là vô hiệu hóa về luật, là rào cản cho sự đổi mới của tư duy quản lý.
Tôi nghĩ là Bộ Giáo dục đã có nhiều nỗ lực, nhưng cần phải đổi mới hơn nữa, cụ thể là chuyển từ cơ chế quản lý có phần khô cứng như hiện nay sang cơ chế linh hoạt hơn, tức là cùng đồng hành với các trường, đặt niềm tin vào các trường nhiều hơn. Giá trị của một ngôi trường là thương hiệu. Ai đánh giá thương hiệu ấy? Đó là cơ quan quản ý nhà nước, nhưng trên hết thì nó phải giành được sự tin tưởng, yêu mến của các em sinh viên và phụ huynh, đó mới là điều quan trọng nhất.
PV: Có chuyên gia đến từ Nhật Bản đã nói rằng, người Việt Nam thông minh và cần cù, nhưng nền giáo dục cũ kỹ đã làm cho họ bị tụt lại với nền văn minh thế giới. Ông có bình luận gì trước ý kiến này?
TS Nguyễn Tiến Luận: Khi đánh giá thành công của bất kỳ ai, chúng ta đều thấy có một đặc điểm nổi bật là tư duy của họ đi trước so với số đông. Qua kinh nghiệm của mình, tôi thấy có một vấn đề là Chính phủ thì rất thông thoáng, nhưng các cơ quan bên dưới thì chưa được như vậy. Vấn đề nằm ở chỗ là các cơ quan quản lý muốn làm tốt, nhưng lại e dè, lo ngại một điều gì đó, thành thử là không quản được thì cấm cho yên chuyện.
Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là muốn phát triển thì buộc phải đi theo con đường của các nước tiên tiến. Có thể đưa vào chương trình những môn bắt buộc phải học để giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam, những môn cần học để giữ gìn đạo đức lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, còn lại thì tốt nhất là học theo các nước tiên tiến, có như vậy thì mới sớm đổi mới và hội nhập được.
TS Nguyễn Tiến Luận nhận định, các trường rất mong Bộ Giáo dục làm tốt công tác hậu kiểm, đánh giá chất lượng đầu ra các trường đại học. |
PV: Thời gian vừa rồi đã có quá nhiều trường thuộc hệ thống công lập được nâng cấp từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học, mà có người đã ví von đó là “siêu nấm”. Ông có cho rằng, việc thành lập quá nhiều trường Đại học, Cao đẳng như vậy sẽ góp phần tăng thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, trong khi đó sinh viên tốt nghiệp vẫn thất nghiệp tràn lan?
TS Nguyễn Tiến Luận: Ở ta tình trạng trường công lấn át trường tư trong tuyển sinh rất phổ biến, mà có nguồn cơn từ chính cơ quan quản lý, đấy là câu chuyện các bộ cũng có trường đại học, cao đẳng, trung cấp… dùng tiền ngân sách đào tạo tràn lan, dẫn tới thất nghiệp, đấy là vấn đề cần phải sớm chấm dứt.
Vừa rồi, các trường công lập còn hạ điểm để vét thí sinh, dẫn tới khó khăn cho nhiều trường ngoài công lập. Tại sao các em chọn trường công lập? Bởi vì ở đó học phí thấp, do được nhà nước bao cấp. Nhưng khổ một nỗi là bây giờ có vô khối các trường công lập đào tạo rất hời hợt, đến nỗi sinh viên tốt nghiệp rồi mà viết cái đơn tuyển dụng không ra gì, kỹ năng mềm không có, ngoại ngữ cũng không... vậy thì thất nghiệp là đương nhiên.
Điều này dẫn tới hai vấn đề: Thứ nhất, nhà nước đang rất tốn kém vào khu vực các trường công lập nhưng không thu lại được gì; Thứ hai việc ra đời quá nhiều trường công lập còn làm “sa mạc hóa” các trường ngoài công lập, tức là gián tiếp “bóp chết” các trường ngoài công lập, đi ngược với chính sách xã hội hóa giáo dục mà Chính phủ đã đề ra trước đây.
Theo tôi, để chấm dứt tình trạng này, Chính phủ chỉ bao cấp cho một số ngành nhất định: Đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị, cho bộ máy hành chính công; đào tạo những ngành đặc thù liên quan tới khoa học – công nghệ cao, an sinh xã hội, nông nghiệp, ngư nghiệp, khai khoáng, kinh tế biển đảo… còn lại thì các em phải chấp nhận trả mức học phí cao để theo học đại học, hoặc lựa chọn sang học nghề, tức là tạo ra một sự công bằng giữa các trường công lập và tư thục.
Chúng tôi bỏ tiền ra thành lập trường, cho nên chắc chắn phải đào tạo tốt thì mới tồn tại được, phải gắn việc đào tạo với nhu cầu của các doanh nghiệp, đổi mới hàng năm theo nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, vì trường công được ưu ái về cơ sở vật chất, về tài chính, cho nên mức thu học phí thấp và hết thời hạn đào tạo là cấp bằng mà không cần lo lắng sản phẩm có bị ai đánh giá, kiểm duyệt chất lượng không? Thế nên tôi cũng chẳng bất ngờ khi có giám đốc doanh nghiệp nói với tôi rằng sinh viên bây giờ ra trường 10 em may ra thì sử dụng được 2.
Thực trạng hiện nay của nền giáo dục là đầu vào thì chặt, nhưng đầu ra rất dễ, thế nên hàng vạn sinh viên mới bị thất nghiệp. Có lần GS Nguyễn Lân Dũng đã nói là tình trạng học ở ta là “cơm chấm cơm”, cho nên nhiều cử nhân tốt nghiệp phải đi tiếp thị mì tôm. Bộ có biết chuyện này không? Bộ biết chứ, nhưng vì sao nhiều năm nay không ngăn chặn được?
Tôi nghĩ bây giờ điều các trường mong muốn nhất là Bộ Giáo dục làm thật tốt công tác hậu kiểm, phải đánh giá được sinh viên tốt nghiệp ở mỗi trường tỷ lệ việc làm là bao nhiêu? Học lên là bao nhiêu? Sản phẩm đào tạo có bán ra được không? Là thị trường trong nước hay nước ngoài? Và bán giá nào?
Trân trọng cảm ơn ông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét