Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Vụ nghi vấn "đạo luận án" phó TS: Lòng trung thực ở một nhà khoa học?

(GDVN) - Viết tiếp bài: “Nghi vấn Hiệu phó ĐH Bách khoa HN “đạo luận án”?", chúng tôi đã tiếp xúc với giới khoa học chuyên ngành để làm sáng tỏ về công trình này.
Được biết, ngay sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết  vào ngày 26/12/2013 thì ngày hôm sau (27/12), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã có buổi họp để PGS. Nguyễn Cảnh Lương giải trình về việc trên, trong buổi họp này còn có Chủ tịch Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước năm 1996 – GS. Nguyễn Đình Trí. 
Ngày 31/12/2013, chúng tôi đã có cuộc làm việc với ông Đinh Văn Hải – Trưởng phòng Công tác Chính trị Học sinh – sinh viên (người phát ngôn chính thức từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) về nội dung tố cáo PGS. Nguyễn Cảnh Lương.
Ông Hải cho biết, đây là đơn tố cáo cá nhân đối với cá nhân, cấp thấp nhất nhận được đơn tố cáo lại là Bộ GD&ĐT chứ không phải nhà trường, nên trường chỉ thực hiện công việc phối hợp với Bộ để xác minh một số thông tin theo yêu cầu từ Bộ GD&ĐT. Tất cả những thông tin cung cấp cho báo chí đều chưa có gì. Khi phóng viên đề cập tới cuộc họp ngày 27/12 thì ông Hải cũng hoàn toàn không biết về nội dung cuộc họp này.
PGS Nguyễn Cảnh Lương, Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách Khoa Hà Nội
 
Chuyên gia chỉ ra nhiều dấu hiệu “đạo luận án”
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin ở bài trước, trong Luận án phó tiến sĩ khoa học Toán – Lý (bảo vệ năm 1996) của PGS. TS. Nguyễn Cảnh Lương, hiệu phó Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có nhiều dấu hiệu “đạo luận án” của PGS. Đặng Văn Khải được bảo vệ trước đó 10 năm (năm 1986). 
Liên quan tới vấn đề chuyên môn nên chúng tôi không khẳng định đúng hay sai, cũng như giống nhau ở mức độ như thế nào. Chính vì vậy, để khách quan chúng tôi đã nhờ một chuyên gia hàng đầu (đề nghị được giấu tên) ở lĩnh vực mà PGS. Nguyễn Cảnh Lương bảo vệ để phân tích và chứng minh điểm giống nhau ở hai Luận án này. 
Sau khi đọc kỹ ở hai cuốn Luận án, vị chuyên gia này cho biết, trong giáo dục và nhất trong khoa học phải đề cao tính trung thực. Ở đây vị này hoàn toàn không bàn tới chất lượng của Luận án PGS. Nguyễn Cảnh Lương nhưng rõ ràng theo phân tích của chuyên gia thì phần hồn trong Luận án PGS. Lương có cải tiến được 2 bài mà người đi trước để lại. 
Trang 33 luận án của PGS. Đặng Văn Khải có nêu Định lý 4 (Tương tự công thức Cauchy – Green). Ảnh chụp trang luận án của PGS. Đặng Văn Khải.
Ảnh chụp trang  trang 50 luận án của PGS. Nguyễn Cảnh Lương có nêu Định lý 2.2.3 (Tương tự công thức tích phân Cauchy).
Còn lại, trong Chương II và Chương III trong Luận án PGS. Nguyễn Cảnh Lương chủ yếu “bôi” và phát triển thêm ý của PGS. Đặng Văn Khải. Tuy nhiên, vấn đề trò phát triển thêm ý của thầy là điều bình thường, nhưng còn cách trình bày thì PGS. Nguyễn Cảnh Lương hoàn toàn không trích nguồn một chút gì từ công trình của PGS. Đặng Văn Khải. 
Ngoài ra, có những chương giống nhau khiến vị này giật mình: “Chương II và một phần của Chương III trong luận án của PGS. Nguyễn Cảnh Lương giống với luận án của PGS. Đặng Văn Khải tới mức không chấp nhận được. Tôi chỉ cần họp hội đồng rồi chiếu hai bên hai Luận án lên màn hình là rõ, chỉ cần anh nào học kỹ sư Bách khoa loại khá về Toán thì thấy ngay, chứng minh không khác một tí gì” vị chuyên gia này cho hay.
Đi vào cụ thể, vị chuyên gia này chỉ rõ, tại luận án của PGS. Nguyễn Cảnh Lương, ở Chương II, mục 2.1: “Khái niệm Véc tơ chỉnh hình trong Rm (trang 39) so với luận án của PGS. TS. Đặng Văn Khải (trang 23) có ghi “Các véc tơ chỉnh hình trong không gian Rm”. Vị chuyên gia này phân tích, đồng ý trong khái niệm có thể làm giống nhau nhưng xét ở luận án PGS. Lương cần phải nói rõ là: “Theo cách xây dựng của luận án PGS. Đặng Văn Khải, chúng tôi cũng làm tương tự”, còn nếu không sẽ được coi là “lập lờ”.
Cũng theo vị chuyên gia này, tại trang 46 luận án của PGS. Nguyễn Cảnh Lương đề cập về: “Lý thuyết tích phân Cauchy”, nội dung ở đây chỉ đổi thứ tự so với trang 29 trong luận án của PGS. Đặng Văn Khải cũng nói về “Lý thuyết tích phân Cauchy”.
“Lý thuyết Cauchy có thể áp dụng chung cho mọi người, nhưng lý thuyết này phải nói rõ là áp dụng ở đâu? Nếu tích phân Cauchy chung thì lại khác nữa, đó là một sơ đồ chung từ cổ điển. Tôi chỉ biết PGS. Đặng Văn Khải đã áp dụng lý thuyết này 10 năm trước, nhưng PGS. Nguyễn Cảnh Lương áp dụng lại mà không nói rõ nguồn, tức PGS. Lương phải nói “đây là theo chứng minh của PGS. Khải” để dùng lý thuyết này cho việc khác. Đối với một người làm khoa học như vậy là không được” vị này nói.
Tại luận án của PGS. Nguyễn Cảnh Lương, ở Chương II, mục 2.1: “Khái niệm Véc tơ chỉnh hình trong Rm (trang 39) so với luận án của PGS. TS. Đặng Văn Khải (trang 23) có ghi “Các véc tơ chỉnh hình trong không gian Rm” (hình dưới). 
Vị chuyên gia cho rằng, trong làm khoa học nếu có tham khảo, trích dẫn đều phải nghi rõ nguồn, nếu không sẽ được coi là "lập lờ". 
Ngoài ra, cũng tại trang 50 của luận án PGS. TS. Nguyễn Cảnh Lương có nêu Định lý 2.2.3 (Tương tự công thức tích phân Cauchy). Và trang 33 luận án của PGS. Đặng Văn Khải có nêu Định lý 4 (Tương tự công thức Cauchy – Green), cũng hoàn toàn giống nhau.
“Tôi không cần bàn luận án này đúng hay sai, nhưng tất cả kết quả luận án của PGS. Nguyễn Cảnh Lương đã có người khác làm trước đó 10 năm, đó là PGS. Đặng Văn Khải. Trong nghiên cứu khoa học, việc kế thừa và trích dẫn là được phép nhưng đi chép lại để dừng ở đó là không được. Tôi chỉ nói vấn đề không trung thực” chuyên gia này khẳng định.
Lòng trung thực có bị lợi dụng?
Được biết, cách đây hơn 20 năm từ khi PGS. Nguyễn Cảnh Lương bảo vệ công  trình khoa học của mình (1996), ngay từ  thời đó trong vòng bảo vệ thử Hội đồng khoa học đã nhắc nhở PGS. Lương phải nói rõ hơn về việc sử dụng tư liệu tham khảo của người khác. Tuy nhiên, tới ngày bảo vệ chính thức vẫn không được PGS. Lương nhắc đến.

 
Được biết, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đã nhận được đơn tố cáo đối với PGS. Nguyễn Cảnh Lương, hiện đang trong quá trình xác minh thông tin và sớm có kết quả về vụ việc này. 
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ thông tin tiếp với đọc giả về vụ việc trên. 

 
Cụ thể, vào ngày 27/8/1996 theo Biên bản bảo vệ thử cho NCS Nguyễn Cảnh Lương về đề tài trên có 8 thành viên trong Hội đồng phản biện, do GS. Nguyễn Đình Chí là Chủ tịch có đưa ra nhiều nhận xét, trong đó có nhận xét của GS. Nguyễn Văn Mậu (là người cùng với PGS. Đặng Văn Khải hướng dẫn NCS Nguyễn Cảnh Lương) rằng: “Tại Chương II và Chương III là học lại cách làm của người khác một cách cẩn thận”. 
Ngày 29/7/1996 khi nhận xét về Luận án phó tiến sỹ của NCS Nguyễn Cảnh Lương lúc bấy giờ, GS. Hà Huy Khoái cũng đã nhấn mạnh: “Tôi biết, Đặng Văn Khải có một số nghiên cứu rất gần với đề tài luận án. Tuy nhiên, trong luận án không trích dẫn công trình nào của Đặng Văn Khải, và cũng không nói rõ mối liên quan của các kết quả của tác giả và của Đặng Văn Khải”.
Cho tới ngày 22/11/1996 Bộ GD&ĐT có Quyết định số 5398 về việc thành lập Hội đồng chấm luận án phó tiến sỹ đối với NCS Nguyễn Cảnh Lương. Chủ tịch Hội đồng lúc đó là GS. Nguyễn Đình Trí, kết quả chấm là: Xuất sắc. 
Danh sách các thành viên Hội đồng chấm luận án phó tiến sỹ đối với NCS Nguyễn Cảnh Lương năm 1996.
Sau khi sự việc xảy ra, như chúng tôi đã nêu ở trên, ngày 27/12/2013 trong cuộc họp giải trình cấp trường về luận án của PGS. Nguyễn Cảnh Lương thì PGS. Đặng Văn Khải đã có một trong những nhận xét rằng: “Các đánh giá của các thầy hướng dẫn và hội đồng chấm luận án là chính xác. Các nhắc nhở của các thầy là cần thiết. Nguyễn Cảnh Lương cần chú thích rõ ràng những phần có tham khảo, học tập theo cách làm của các tác giả khác”.
Như vậy có thể thấy, trước khi bảo vệ luận án phó tiến sỹ năm 1996 thì nhiều thầy trong hội đồng đã nhắc PGS. Nguyễn Cảnh Lương cần nói rõ công trình làm được tới đâu, tham khảo ở đâu và ở người nào để cho luận án có tính minh bạch, rõ ràng. Tuy nhiên, cho tới khi nghiệm thu luận án của PGS. Nguyễn Cảnh Lương được lưu giữ tại Thư viên Quốc gia vẫn không hề có đính chính, sửa chữa.
Trong khi đó, ở lời cam đoan, PGS. Nguyễn Cảnh Lương luôn khẳng định: “Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả trong luận án là trung thực và chưa được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác”.
Vậy, cứ cho đây là một “sơ xuất” của PGS. Nguyễn Cảnh Lương khi “quên” không làm theo lời nhắc của các thầy trong hội đồng, thì ngần ấy năm PGS. Lương không đính chính, bổ sung bản lưu tại Thư viện Quốc gia là vì lý do gì? Và theo đó, cũng ngần ấy năm nhiều độc giả, nhiều học trò, nhiều nhà khoa học, các giảng viên đại học lên tìm đọc, tham khảo và nghĩ rằng toàn bộ nội dung luận án là của PGS. Nguyễn Cảnh Lương, ở đây lòng trung thực có bị lợi dụng? 
Đối với một nhà giáo dục cũng như nhà khoa học thì yếu tố trung thực phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, ở sự việc này có điều gì đó “cố tình” không ổn, bỏ qua và không để ý tới lời nhắc của của Chủ tịch hội đồng chấm luận án, của các thành viên hội đồng lúc đó. Ở sự việc này các thành viên hội đồng hoàn toàn không có lỗi, mà do sơ xuất không kiểm tra NCS của mình có thực hiện theo yêu cầu hay không?
Chúng tôi xin mượn lời của vị chuyên gia trên để thay cho lời kết: “Vào siêu thị dù chỉ lấy một cái lược đi ra cũng là ăn cắp, chứ ở đây không thể sơ xuất được”.

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Vu-nghi-van-dao-luan-an-pho-TS-Long-trung-thuc-o-mot-nha-khoa-hoc-post136784.gd

"Bộ GD&ĐT phải đổi mới tư duy quản lý và cần phải làm ngay"

(GDVN) - TS Nguyễn Tiến Luận: “Điều các trường mong muốn nhất là Bộ làm thật tốt công tác hậu kiểm, đánh giá được chất sinh viên tốt nghiệp".
LTS: Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 và tổng kết năm học các trường đại học, cao đẳng: “Nếu muốn có một khâu đột phá thì trước hết cùng với đổi mới thi cử thì trước hết đột phá ở quản lý, đổi mới ngay tại Bộ GD&ĐT đầu tiên”. Để làm rõ hơn câu chuyện đổi mới giáo dục và đổi mới trong quản lý hệ thống giáo dục, PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nguyễn Trãi.

PV: Thưa TS Nguyễn Tiến Luận, ông có đồng tình với phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là cần phải đột phá ở khâu quản lý, mà cụ thể là đổi mới ngay tại Bộ GD&ĐT?
TS Nguyễn Tiến Luận: Câu chuyện đổi mới giáo dục đã được nói rất nhiều từ khi đất nước hội nhập WTO, nhưng tới giờ kết quả đạt được chưa đáng kể. Vì vậy, những người làm công tác giáo dục như chúng tôi rất cảm ơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói trúng vấn đề cốt lõi của sự đổi mới, muốn thành công phải xuất phát từ chính Bộ GD&ĐT.
TS Nguyễn Tiến Luận - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nguyễn Trãi.
Đầu thập kỷ 90, tôi là là người đầu tiên được cấp phép đưa các em học sinh ra nước ngoài du học tự túc. Lúc đó có nhiều cơ quan chức năng đã hỏi tôi là đưa các em đi rồi thì có trở về không? Có bị tiêm nhiễm những luồng tư tưởng độc hại không? Rất nhiều rào cản được dựng lên, nhưng Chính phủ đã cho phép chúng tôi thử nghiệm mô hình đó và kết quả đã đưa gần 20.000 du học sinh ra nước ngoài, và cả nước lúc nào cũng có khoảng 100.000 du học sinh đang theo học ở nước ngoài. Điều ấy cho thấy Chính phủ rất quyết tâm đổi mới giáo dục.
Tuy nhiên, phải nói thật là xuống tới bộ ngành, địa phương thì lại chưa được như vậy. Tôi đơn cử thí dụ về vấn đề tuyển sinh, chúng ta cứ loay hoay mãi chuyện thi ba chung hay bỏ ba chung, thế rồi dẫn tới chuyện luật nói tự chủ giáo dục đại học, nhưng thực tế lại diễn ra kiểu khác, vì vẫn phải chờ đợi vào đề thi của bộ, cái sàn của bộ đề ra hàng năm, làm như vậy là vô hiệu hóa về luật, là rào cản cho sự đổi mới của tư duy quản lý.
Tôi nghĩ là Bộ Giáo dục đã có nhiều nỗ lực, nhưng cần phải đổi mới hơn nữa, cụ thể là chuyển từ cơ chế quản lý có phần khô cứng như hiện nay sang cơ chế linh hoạt hơn, tức là cùng đồng hành với các trường, đặt niềm tin vào các trường nhiều hơn. Giá trị của một ngôi trường là thương hiệu. Ai đánh giá thương hiệu ấy? Đó là cơ quan quản ý nhà nước, nhưng trên hết thì nó phải giành được sự tin tưởng, yêu mến của các em sinh viên và phụ huynh, đó mới là điều quan trọng nhất.
PV: Có chuyên gia đến từ Nhật Bản đã nói rằng, người Việt Nam thông minh và cần cù, nhưng nền giáo dục cũ kỹ đã làm cho họ bị tụt lại với nền văn minh thế giới. Ông có bình luận gì trước ý kiến này?
TS Nguyễn Tiến Luận: Khi đánh giá thành công của bất kỳ ai, chúng ta đều thấy có một đặc điểm nổi bật là tư duy của họ đi trước so với số đông. Qua kinh nghiệm của mình, tôi thấy có một vấn đề là Chính phủ thì rất thông thoáng, nhưng các cơ quan bên dưới thì chưa được như vậy. Vấn đề nằm ở chỗ là các cơ quan quản lý muốn làm tốt, nhưng lại e dè, lo ngại một điều gì đó, thành thử là không quản được thì cấm cho yên chuyện.
Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là muốn phát triển thì buộc phải đi theo con đường của các nước tiên tiến. Có thể đưa vào chương trình những môn bắt buộc phải học để giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam, những môn cần học để giữ gìn đạo đức lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, còn lại thì tốt nhất là học theo các nước tiên tiến, có như vậy thì mới sớm đổi mới và hội nhập được.
TS Nguyễn Tiến Luận nhận định, các trường rất mong Bộ Giáo dục làm tốt công tác hậu kiểm, đánh giá chất lượng đầu ra các trường đại học.
PV: Thời gian vừa rồi đã có quá nhiều trường thuộc hệ thống công lập được nâng cấp từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học, mà có người đã ví von đó là “siêu nấm”. Ông có cho rằng, việc thành lập quá nhiều trường Đại học, Cao đẳng như vậy sẽ góp phần tăng thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, trong khi đó sinh viên tốt nghiệp vẫn thất nghiệp tràn lan?
TS Nguyễn Tiến Luận: Ở ta tình trạng trường công lấn át trường tư trong tuyển sinh rất phổ biến, mà có nguồn cơn từ chính cơ quan quản lý, đấy là câu chuyện các bộ cũng có trường đại học, cao đẳng, trung cấp… dùng tiền ngân sách đào tạo tràn lan, dẫn tới thất nghiệp, đấy là vấn đề cần phải sớm chấm dứt.
Vừa rồi, các trường công lập còn hạ điểm để vét thí sinh, dẫn tới khó khăn cho nhiều trường ngoài công lập. Tại sao các em chọn trường công lập? Bởi vì ở đó học phí thấp, do được nhà nước bao cấp. Nhưng khổ một nỗi là bây giờ có vô khối các trường công lập đào tạo rất hời hợt, đến nỗi sinh viên tốt nghiệp rồi mà viết cái đơn tuyển dụng không ra gì, kỹ năng mềm không có, ngoại ngữ cũng không... vậy thì thất nghiệp là đương nhiên.
Điều này dẫn tới hai vấn đề: Thứ nhất, nhà nước đang rất tốn kém vào khu vực các trường công lập nhưng không thu lại được gì; Thứ hai việc ra đời quá nhiều trường công lập còn làm “sa mạc hóa” các trường ngoài công lập, tức là gián tiếp “bóp chết” các trường ngoài công lập, đi ngược với chính sách xã hội hóa giáo dục mà Chính phủ đã đề ra trước đây.
Theo tôi, để chấm dứt tình trạng này, Chính phủ chỉ bao cấp cho một số ngành nhất định: Đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị, cho bộ máy hành chính công; đào tạo những ngành đặc thù liên quan tới khoa học – công nghệ cao, an sinh xã hội, nông nghiệp, ngư nghiệp, khai khoáng, kinh tế biển đảo… còn lại thì các em phải chấp nhận trả mức học phí cao để theo học đại học, hoặc lựa chọn sang học nghề, tức là tạo ra một sự công bằng giữa các trường công lập và tư thục.
Chúng tôi bỏ tiền ra thành lập trường, cho nên chắc chắn phải đào tạo tốt thì mới tồn tại được, phải gắn việc đào tạo với nhu cầu của các doanh nghiệp, đổi mới hàng năm theo nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, vì trường công được ưu ái về cơ sở vật chất, về tài chính, cho nên mức thu học phí thấp và hết thời hạn đào tạo là cấp bằng mà không cần lo lắng sản phẩm có bị ai đánh giá, kiểm duyệt chất lượng không? Thế nên tôi cũng chẳng bất ngờ khi có giám đốc doanh nghiệp nói với tôi rằng sinh viên bây giờ ra trường 10 em may ra thì sử dụng được 2.
Thực trạng hiện nay của nền giáo dục là đầu vào thì chặt, nhưng đầu ra rất dễ, thế nên hàng vạn sinh viên mới bị thất nghiệp. Có lần GS Nguyễn Lân Dũng đã nói là tình trạng học ở ta là “cơm chấm cơm”, cho nên nhiều cử nhân tốt nghiệp phải đi tiếp thị mì tôm. Bộ có biết chuyện này không? Bộ biết chứ, nhưng vì sao nhiều năm nay không ngăn chặn được?
Tôi nghĩ bây giờ điều các trường mong muốn nhất là Bộ Giáo dục làm thật tốt công tác hậu kiểm, phải đánh giá được sinh viên tốt nghiệp ở mỗi trường tỷ lệ việc làm là bao nhiêu? Học lên là bao nhiêu? Sản phẩm đào tạo có bán ra được không? Là thị trường trong nước hay nước ngoài? Và bán giá nào?
Trân trọng cảm ơn ông!

Đổi mới thi tốt nghiệp năm 2014, chậm có phải là chắc?

(GDVN) - Vừa qua nhiều vị nguyên là Bộ trưởng GD&ĐT và rất nhiều chuyên gia đã có ý kiến về chuyện thi hành Luật giáo dục đại học và Nghị quyết TW8 về cải cách GD.
Ảnh minh họa
 
Đã có nhiều ý kiến về lựa chọn khâu đột phá cho cải cách giáo dục, bằng việc thay đổi kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm 2014 có thể  đây là dấu hiệu cho thấy Bộ chọn khâu thi cử làm khâu đột phá. Hãy khoan nói đến việc lựa chọn này đã tối ưu chưa, chúng ta nên xem xét các khâu kỹ thuật mà dự thảo có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp cải cách giáo dục. Có thể là do Bộ vội nên cần huy động “sức mạnh tập thể”, huy động quyền “làm chủ tập thể” của mọi người để giúp hoàn thiện phương án?
Nghị quyết TW8 khóa 11 đề ra chủ trương lấy kết quả thi tốt nghiệp phổ thông làm cơ sở để tuyển sinh CĐ-ĐH. Ai cũng biết Bộ dự định kéo dài 3 chung đến năm 2017. Vậy tại sao không đưa phương án thí điểm thi tốt nghiệp theo tinh thần nghị quyết TW8 ngay trong năm 2014, nói cách khác hãy tổ chức  thi tốt nghiệp phổ thông như một kỳ thi tuyển sinh CĐ-ĐH trong vòng 1-2 năm (trong khi vẫn tổ chức thi tuyển sinh 3 chung). Làm được như vậy khong lo chất lượng tuyển sinh CĐ-ĐH thấp mà lại rút được kinh nghiệm khi chính thức thực hiện.
Bộ mong muốn: “từ nay cho đến khi có chương trình giáo dục phổ thông mới, chỉ cần một lần này thay đổi phương án thi tốt nghiệp. Khi triển khai chương trình mới thì sẽ đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp một cách căn bản theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 8” (gddt.vn, 2/1/2014). Vấn đề là khi nào thì chính thức triển khai chương trình mới?
Xin nêu một vài ý kiến:
Số lượng môn thi
Phương án 1 thí sinh phải thi 4 môn, Bộ phải chuẩn bị đề thi cho 7 môn (2 môn bắt buộc,  2 môn tự chọn trong 5 môn). Phương án 2 thí sinh phải thi 5 môn, Bộ phải chuẩn bị đề cho 8 môn (3 môn bắt buộc, tự chọn 2 trong 5 môn).
Dù chỉ có 01 thí sinh chọn 1 trong 5 môn tự chọn Bộ vẫn phải làm các thủ tục ra đề như  môn có 1 triệu thí sinh dự thi, như vậy có tiết kiệm không, có khoa học không?
Đối với thí sinh, thi 4 – 5 môn theo dự kiến hay 6 môn như cũ sẽ không có thay đổi gì nhiều vì thí sinh đã chuẩn bị tinh thần thi 6 môn rồi, nay rút bớt thì càng “dễ thở”. Đối với Bộ phát sinh thêm môn thi chắc chắn sẽ tốn kém hơn ở khâu ra đề, thẩm định, bảo mật… và càng tốn kém khi phải bố trí giám thị, phòng thi tại các địa điểm thi. Liệu Bộ có thực hiện ghép nhiều thí sinh thi các môn khác nhau vào cùng một phòng với chỉ hai giám thị?
Đã phải chuẩn bị ra đề tới 8 môn thi sao không nghiên cứu kiến nghị của Hiệp hội các trường CĐ-ĐH ngoài công lập, của nguyên Phó CT nước, nguyên Bộ trường GD&ĐT Nguyễn Thị Bình? Thiên hạ bảo “cờ ngoài, bài trong”, ở ngoài thì sáng, ở trong thì tối. Không muốn nghe “cờ ngoài”, cứ khư khư “bài trong” tức là thích chỗ tối, thích để làm gì?
 Chính sách miễn thi
“Sở GD&ĐT căn cứ tỷ lệ miễn thi do Bộ GD&ĐT quy định, xây dựng phương án miễn thi của địa phương mình” [1]. Nếu điều này thành hiện thực thì có nghĩa là sẽ có địa phương được Bộ “cho” tỷ lệ miễn thi cao hơn địa phương khác. Phải chăng đây là cách để ban phát “lợi ích” và cũng đồng nghĩa với việc muốn tỷ lệ miễn thi cao một chút thì phải biết cách “kính thưa, kính gửi…”. Phải chăng khi soạn thảo dự án người ta đã “nhìn xa, thấy rộng”, đã vẽ sẵn đường cho… “phong bì” chạy?
Dành cho mình quyền quy định tỷ lệ miễn thi, Bộ cho rằng Bộ có đủ số liệu thống kê? Cứ cho răng Bộ có số liệu thống kê của các địa phương mấy năm qua thì liệu Bộ có dám khẳng định các số liệu đó phản ảnh đúng thực tế? Có thể nói ngay rằng con số 20% học sinh mà Bộ dự kiến miễn thi chỉ phản ánh trí tưởng tượng “phong phú” của người thảo dự án. Con em đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, vận động không bỏ học đã là thắng lợi nói gì đến đủ tiêu chuẩn miễn thi? 
Nếu sự trung thực là đặc điểm của ngành Giáo dục thì đã chẳng có chuyện nhà vệ sinh rộng chừng 30 mét vuông giá thành lên đến 600.000 đồng, cũng chẳng có chuyện: ‘Bộ GD&ĐT cũng đã tiến hành thẩm định khoảng 500 hồ sơ quá trình đào tạo tiến sĩ và 150 luận án tiến sĩ. Kết quả cho thấy, khoảng 50% các cơ sở chưa thực hiện đầy đủ quy trình đào tạo, một số luận án chất lượng thấp. Về liên kết đào tạo, Bộ GD&ĐT đã thanh tra 9 trường ĐH và xử lý sai phạm với 4 đơn vị”, tỷ lệ này cũng gần 50% [2].
Một “sáng kiến” khác của Bộ không biết sẽ nhận được bao nhiêu % dư luận tán thành: “các thí sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt sẽ được miễn thi dựa theo các tiêu chí cơ bản sau: Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong 3 năm học THPT; Kết quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp; Kết quả các kỳ thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật, các cuộc thi trí tuệ dành cho học sinh THPT được tổ chức ở cấp quốc gia, quốc tế” [2].
Có lẽ Bộ cho rằng chuyện mua điểm, chạy điểm chỉ có ở bậc đại học chứ không có ở phổ thông! Hay Bộ cho rằng ngay năm 2014 Bộ sẽ có phép màu hô biến toàn bộ giáo viên thành Bao Công để không có chuyện nể nang, châm chước cho con em đồng nghiệp trong trường? Lại nữa, thi học sinh giỏi các cấp là một tiêu chí miễn thi, vậy chỉ cần giỏi cấp huyện là “ngon” rồi, nếu có trách thì trước hết phải trách bên Văn hóa-Thể thao, ai bảo huy chương cấp “ao làng Asean” cũng được vinh danh ầm ĩ.
Người viết đã từng được nghe giáo viên khoa Công nghệ Sinh học một trường đại học nói rằng: “khoa chúng cháu được mệnh danh là nhà trẻ của trường”, hóa ra rất nhiều con em cán bộ giáo viên trong trường bằng nhiều cách khác nhau đã trở thành giáo viên khoa này.
Triết lý “phòng bệnh hơn chữa bệnh” vốn không phải là cao siêu gì khiến cho các “nguyên khí quốc gia” không thể tiếp thu được. Vậy tại sao biết là “bệnh” sẽ có cơ hội sinh sôi (hoặc giả chưa biết thì cũng nên đọc để biết)  mà lại không phòng? Hay là Bộ cố tình đưa ra như vậy để “có đất” cho người dân góp ý, để chuyển hướng dư luận sang những đề tài bớt “nhạy cảm” hơn?
Thiết nghĩ cần phải loại bỏ ngay từ trứng nước ý tưởng “Bộ quy định tỷ lệ miễn thi cho các địa phương” nếu Bộ muốn tránh cho cán bộ của mình nguy cơ phải đứng trước vành móng ngựa. Tất cả học sinh đều phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp, những người không tốt nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận học hết chương trình phổ thông đề chuyển sang học nghề.
Tổ chức thi như thế nào?
Tổ chức ngay kỳ thi tốt nghiệp năm 2014 theo tinh thần chỉ đạo của TW là cách tốt nhất hiện nay để chủ trương cải cách giáo dục không phải chờ mấy năm nữa. Vấn đề tiếp theo là thi mấy môn và thi những môn nào. Người viết cho rằng cần chọn 4 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và Lịch sử, các môn còn lại sẽ chọn trong 4 môn là Vật lý, Hóa học, Địa lý và Sinh học, riêng các trường khối nghệ thuật, thể thao sẽ thi thêm các môn năng khiếu. Riêng môn Ngoại ngữ có thể có những điều chỉnh phù hợp với tình hình dạy và học tại các vùng miền khác nhau.
Một số chuyên gia không muốn Lịch sử là môn thi bắt buộc, họ cần phải hiểu rằng người Việt trẻ ngày nay dốt nhất là Lịch sử. Ngay khi cách mạng chưa thành công Cụ Hồ đã nói:  “Dân ta phải biết sử ta; Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam…”. Gần đây Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn đã phải nêu ý kiến: “nên cho hoa hậu học lịch sử trước khi đi thi quốc tế’. Hàng nghìn điểm 0 môn Lịch sử chẳng lẽ chưa đủ gióng hồi chuông báo động về sự đánh mất bản sắc dân tộc, hay là chúng ta muốn thay thế người Việt bằng một thế hệ “công dân toàn cầu” kiểu mới, không nguồn gốc, không biên giới, không tổ quốc?
Không phải là không thể tổ chức một kỳ thi nghiêm túc nếu sử dụng các biện pháp nghiệp vụ và công cụ hỗ trợ như camera ghi hình các buổi thi. Nên biết Công ty cổ phần thương mại Nguyễn Kim phối hợp cùng với Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN VNPT, Công ty cổ phần truyền thông Sơn Ca, Công ty TNHH Questek Việt Nam đã có kế hoạch tài trợ 31.5 tỷ đồng lắp 20.000 camera giám sát cho các trường mẫu giáo và nhà trẻ toàn quốc. Trên tinh thần đổi mới giáo dục, chẳng lẽ ngành giáo dục không thể xin được nguồn kinh phí vài chục tỷ cho mục đích này?
Đổi mới giáo dục không thể thành công nếu cứ tiếp tục lối nghĩ cũ, nặng về tư duy nhiệm kỳ. Hy vọng lãnh đạo ngành tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam “cần đổi mới ngay tại cơ quan Bộ GD&ĐT”, cũng nên lắng nghe những lời khó lọt tai của dư luận, thận trọng nhưng không có nghĩa là sợ hãi bởi  sợ hãi chẳng bao giờ làm nên sự nghiệp.

Kiến nghị một kỳ thi quốc gia duy nhất – kỳ thi tốt nghiệp THPT

(GDVN) - Trước thực tế có hai cuộc thi quốc gia (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ) được tổ chức quá gần nhau, nhiều chuyên gia kiến nghị bỏ tuyển sinh ĐH, CĐ.
Nói về kỳ thi “ba chung” bấy lâu nay, ông Đỗ Văn Chừng, nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GD&ĐT), người xây dựng đề án thi ba chung những năm trước cho biết, theo đề án ban đầu ba chung không có điểm sàn, tuy nhiên sau này Bộ GD&ĐT bắt đầu thêm điểm sàn để “sàng lọc” những thí sinh yếu kém. 
Khởi thủy của “ba chung”, theo ông Chừng xuất phát từ lợi ích của nhân dân: “Chúng tôi làm nhiều năm, năm nào cũng thấy bố mẹ các em đưa đi thi khổ quá, tốn kém quá, chứng kiến nhiều trường hợp bố mẹ khóc vì con ngủ quên không được vào thi. Trong đề án ba chung chúng tôi tuyệt nhiên không nói về điểm sàn, vì Bộ đã phân cấp cho các trường điểm xét tuyển. Nhưng hiện nay mỗi năm có 1 triệu thí sinh đi thi thì tốn kém khoảng 1,5 nghìn tỷ, chính kỳ tuyển sinh đại học mới là kỳ thi tốn kém nhất” ông Chừng nói.

Ông Đỗ Văn Chừng, nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GD&ĐT). Ảnh Xuân Trung
Cho tới bây giờ nhiều người vẫn chưa hiểu đầy đủ về “ba chúng”, theo ông Chừng “ba chúng” không phải là chung điểm sàn mà là sử dụng chung kết quả thì,…Cha đẻ của “bà chúng” cũng cho biết, trong đề án “ba chung” có hai giai đoạn, giai đoạn một đã thực hiện và đang thực hiện, giai đoạn hai là tiến tới một kỳ thi quốc gia duy nhất, đó là làm tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, lấy đó là căn cứ chính để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
“Tôi nghĩ đầu vào đại học điều kiện cần là tốt nghiệp THPT, nếu có điều kiện về xét tuyển thì Bộ GD&ĐT cũng phải nói rõ: Xét tuyển có thể căn cứ vào kết quả tốt nghiệp THPT. Nếu chúng ta chuyển càng sớm sang một kỳ thi quốc gia duy nhất thì xã hội đỡ tốn kém, đó là một cơ chế cơ bản để giảm tình trạng luyện thi tràn lan như hiện nay” ông Đỗ Văn Chừng khẳng định.
GS. Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường Đại học DL Hải Phòng cũng cho biết, trong dự thảo về tự chủ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT vừa qua chưa coi trọng tính tự chủ thực sự của các trường. GS. Nghị “định nghĩa” lại rằng “tự chủ” giáo dục tức là trường được làm tất cả nhưng gì trong phạm vi của pháp luật không cấm.
Nhận định về hai kỳ thi quốc gia gần nhau, GS. Nghị nêu quan điểm: “Hai kỳ thi này tôi cảm giác tốn quá nhiều tiền công của của nhà nước, nếu được bỏ kỳ thi tôi nghĩ nên bỏ thi đại học. Việc cần có một kỳ thi thực sự, nghiêm túc là kỳ thi tốt nghiệp THPT, đây là kỳ thi đi theo suốt cuộc đời của học sinh”.
GS. Trần Huux Nghị, Hiệu trưởng ĐH DL Hải Phòng. Ảnh Xuân Trung
Lãnh đạo trường Đại học DL Hải Phòng đặt câu hỏi, nếu cảm thấy một kỳ thi quốc gia khó thực hiện, vậy tại sao chúng ta không lấy lực lượng của hai kỳ thi này để làm tốt một kỳ thi tốt nghiệp THPT, tại sao chúng ta không lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để làm đầu vào của đại học?
Bà Trần Kim Phương, Chủ tịch HĐQT trường Cao đẳng Asean cho biết, theo quy luật quốc tế chúng ta phải tiến tới bỏ tuyển sinh đại học, làm điều này càng sớm càng tốt để xã hội bớt tốn kém, cha mẹ học sinh đỡ khổ. 
Ông Vũ Duy Chu – Chủ tịch HĐQT trường Đại học Đông Á nêu vấn đề, kỳ tuyển sinh đại học của chúng ta hiện nay đã quá lạc hậu. Bởi cách làm của Bộ bấy lâu nay vẫn duy trì một cơ chế “xin – cho”. Quan điểm của ông Chứ, Bộ GD&ĐT hãy cho các trường được tự chủ hoàn toàn, chấm dứt quy định trình đề án. 
“Chúng tôi không cần ba chung của Bộ, Bộ cứ để cho chúng tôi tự chủ trong tuyển sinh, chúng tôi sẽ biết cách tuyển như thế nào” ông Chu khẳng định.
Ông Vũ Duy Chu – Chủ tịch HĐQT trường Đại học Đông Á: Bộ GD&ĐT cứ để trường tự chủ tuyển sinh, chúng tôi sẽ tự biết cách tuyển như thế nào. Ảnh Xuân Trung
Lãnh đạo trường Đại học Cửu Long cũng cho biết, Bộ GD&ĐT phải có  một “chuẩn” quốc gia để làm đầu vào đại học, và học sinh tốt nghiệp THPT loại trung bình trở lên đều có quyền học đại học. Bộ GD&ĐT không nên “ép” các trường trình đề án và duyệt, bởi Bộ không thể có đủ người, đủ thời gian làm việc này.
“Tính tự chủ của các trường là ở chỗ này, trường phải làm sao có đề án đưa ra để người dân chấp nhận cho con theo học, đề án đó phải đưa ra được quá trình đào tạo như thế nào để xã hội chấp nhận. Đề án này là do trường tự làm, công bố công khai. Chúng ta không nên có kỳ thi đại học mà chỉ có thi tốt nghiệp THPT, đặc biệt không thể có quy định miễn 20% thi tốt nghiệp THPT, như vậy sẽ dẫn tới tiêu cực từ giáo viên với hiệu trưởng” vị này cho biết.
Chia sẻ với ý kiến các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, GS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cho biết, để đánh giá đúng thì điểm sàn đại học hàng năm phải bỏ, và bỏ ngay từ năm nay. Có thể chấp nhận trở lại thi “ba chung” như trước kia nhưng Bộ GD&ĐT phải để các trường thi riêng được sử dụng kết quả thi ba chung trong quá trình xét tuyển, hoặc có thể liên kết với các trường trong quá trình tổ chức thi.

“Tiến tới năm 2015 chỉ có một kỳ thi, kỳ thi đó khẳng định là kỳ thi tốt nghiệp THPT, đây là kỳ thi cho ra một bằng cấp có giá trị suốt đời cho một con người, thậm chí có giá trị quốc tế nếu học sinh đó ra nước ngoài học. Ngược lại, kết quả tuyển sing đại học không mang lại nhiều ý nghĩa, dứt khoát kỳ thi tốt nghiệp THPT năm tới phải làm nghiêm túc, lấy kết quả đó làm cơ sở dùng để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng” GS. Trần Hồng Quân đề nghị.