Chính phủ cần nhiều hành động mạnh mẽ hơn
Đó là ý kiến của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khi trao đổi với Đầu tư Chứng khoán.
Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP 5,8% và lạm phát 7% cho năm 2014. Theo bà, các mục tiêu này có thể đạt được trong bối cảnh nguồn tài chính sẽ hạn chế hơn nữa?
Việc duy trì lạm phát dưới 10% là hoàn toàn có thể nếu Việt Nam tiếp tục con đường kiềm chế tiền tệ và chấp nhận tăng trưởng kinh tế dưới mức tiềm năng dài hạn. Bằng cách đẩy nhanh cải cách DNNN trong các lĩnh vực quan trọng và tái cơ cấu ngành ngân hàng, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm bớt các điều kiện kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời tăng hiệu quả ngân sách, tôi tin Việt Nam chắc chắn có thể đẩy tốc độ tăng trưởng quanh mức 6%/năm.
Chúng ta cũng cần nhận thấy rằng, Việt Nam đang hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu, nên những yếu tố bên ngoài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất tăng trưởng kinh tế trong nước.
Như bà vừa nói, có vẻ tiến trình cải cách nền kinh tế đang diễn ra chậm?
Với Quyết định của Chính phủ đưa ra vào cuối năm 2011 về thúc đẩy các cải cách, cho đến nay, chúng ta đã thấy những tiến triển trong việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý vững chắc cho việc thực thi. Giờ là lúc cần thúc đẩy các hành động thực hiện các quyết định cải cách này.
Đối với vấn đề cải cách DNNN, một số nghị định, quyết định, thông tư đã được đưa ra để tăng cường khả năng quản trị của các DNNN, điều chỉnh lại các lĩnh vực và ngành nghề kinh doanh, thúc đẩy một sân chơi bình đẳng hơn giữa các và khu vực tư nhân và làm rõ các thủ tục cổ phần hóa.
Nổi bật trong số đó có thể kể đến: việc sửa đổi Nghị định 59 về cổ phần hoá cũng đã được hoàn thành và Nghị định 189 mới ban hành kỳ vọng sẽ loại bỏ rào cản lớn trong việc xác định giá trị DN để cổ phần hóa, đặc biệt là xác định giá trị đất và các khoản nợ. Khuôn khổ này có thể là sự chuyển đổi thực sự, tạo tiền đề để khu vực DNNN - hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực chiến lược quan trọng và là nơi có một lý do thuyết phục cho việc tham gia của khu vực công - hoạt động có trách nhiệm, hiệu quả và minh bạch hơn.
Những lợi ích cho DNNN cung cấp dịch vụ, cho khả năng cạnh tranh lớn hơn của nền kinh tế, cho việc phân bổ các nguồn lực công và cho tăng trưởng có tiềm năng rất lớn. Thách thức hiện nay là làm sao thực hiện mạnh mẽ những khung khổ, quy định này. Bởi cho đến nay, việc thực hiện trong thực tế còn chậm và cần được ưu tiên thúc đẩy hơn.
Yêu cầu của Chính phủ về việc tất cả các tập đoàn phải thoái vốn khỏi 5 hoạt động không cốt lõi và có rủi ro cao muộn nhất vào năm 2015 đang được tiến hành chậm chạp, mà một phần là do những lo ngại về việc phải bán tài sản công dưới giá trị sổ sách.
Tính đến cuối tháng 9/2013, các kế hoạch tái cơ cấu của khoảng 55% tập đoàn, tổng công ty với mục tiêu thoái vốn và cải cách quản trị DN đã được thông qua. Nhưng chất lượng kỹ thuật của các kế hoạch tái cơ cấu này thì rất khác nhau. Trong giai đoạn 2012 - 2013, mới có khoảng 77 DNNN đã được cổ phần hóa so với kế hoạch của Chính phủ là cổ phần hóa tổng cộng 600 DNNN giai đoạn 2011 - 2015.
Vấn đề là, những nội dung của kế hoạch cải cách cũng như những gì đã và đang thực hiện không cho thấy sự rõ ràng rằng: cổ phần hóa được tiến hành song song với những cải tiến trong quản trị DN, nâng tính trách nhiệm và minh bạch - những vấn đề mà người ta kỳ vọng sẽ tạo sự khác biệt thực sự trong hoạt động của DNNN. Chính phủ cũng cần phải xác định rõ mức độ tham gia của Nhà nước trong các DN và trong các lĩnh vực khác nhau.
Về cải cách tài chính. Vào cuối năm 2012, NHNN ghi nhận tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng có thể cao hơn so với báo cáo trước và đây được xem là một bước quan trọng đầu tiên hướng tới giải quyết các lỗ hổng hệ thống.
Các báo cáo gần đây từ NHNN cho biết, tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 4,65% tính đến tháng 8/2013 nhờ các biện pháp mà NHNN đưa ra. Tuy nhiên, chất lượng của các dữ liệu ngân hàng và những công bố ít ỏi của họ (cả từ các ngân hàng và từ NHNN) là một vấn đề gây quan ngại và độ tin cậy của các ước tính này cũng không chắc chắn. Cùng với đó, nếu áp dụng theo các cách tính và thông lệ quốc tế thì nợ xấu hệ thống cũng sẽ cao hơn.
Chính phủ đã trì hoãn việc thực hiện Thông tư 02 (ban hành vào đầu năm 2013), theo đó, yêu cầu các ngân hàng cần áp dụng sát hơn với thông lệ quốc tế trong tính toán nợ xấu. Điều này cho thấy, các ngân hàng đang có mối bận tâm với vấn đề nợ xấu trước mắt và sự thiếu năng lực cũng như sự sẵn sàng của họ trong áp dụng quy định thắt chặt hơn.
VAMC được thành lập vào tháng 7 vừa qua được xem là một trụ cột trung tâm trong phản ứng của Chính phủ đối với vấn đề nợ xấu. Tuy nhiên, để góp phần giải quyết nợ xấu thành công thì điều quan trọng là VAMC cần áp dụng một khuôn khổ quản trị phù hợp (bao gồm cả tính minh bạch xung quanh các hoạt động của mình) và tăng cường năng lực thể chế của nó.
Việc nghiên cứu điều chỉnh Luật Phá sản, đặc biệt liên quan đến xử lý các tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính khác cần được đặc biệt quan tâm để giải quyết nợ xấu và những nỗ lực tái cơ cấu khác có liên quan.
Việc cho phép tham gia lớn hơn của nước ngoài tại các ngân hàng trong nước có thể là một bước quan trọng để cung cấp cho các ngân hàng các lựa chọn tái cấp vốn thêm, giới thiệu sản phẩm mới cũng như tăng cường quản trị DN. Nghị định 69 đang được sửa đổi cho phép các cơ hội để tăng cường sự tham gia của nước ngoài, nhưng chỉ trong trường hợp đặc biệt (ngân hàng yếu kém) và phải có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Dù sao, điều quan trọng là Nghị định này cần được sửa đổi một cách nhanh chóng để có thể bắt đầu thực hiện.
Cải cách đầu tư công đã có bước củng cố quan trọng khi tỷ lệ đầu tư nhà nước đã giảm từ 14,7% GDP trong năm 2010, xuống 11,5% trong năm 2012.
Một số tiến bộ khác cũng nhìn thấy qua việc kế hoạch đầu tư đã mang tính trung hạn hơn. Tuy nhiên, sự củng cố này chưa được thực hiện trên cơ sở các tiêu chí rõ ràng trong xác định các ưu tiên cũng như trong xác định các khu vực cần củng cố mạnh nhất. Do đó, cần thiết kế các tiêu chí ưu tiên cho đầu tư công.
Dự thảo Luật Đầu tư công gần đây đã được trình lên Quốc hội để xem xét và dự kiến sẽ được ban hành tháng 5/2014. Luật này nên theo hướng sắp xếp và củng cố khuôn khổ pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư công, nâng cao trách nhiệm giải trình cũng như trách nhiệm trong quyết định lựa chọn dự án.
Trong tháng 6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 14 để thắt chặt các yêu cầu về phân bổ vốn ngân sách và ưu tiên thanh toán hết nợ đọng cho các nhà thầu vào năm 2015. Chỉ thị 14 tiếp tục yêu cầu tất cả các cơ quan chính phủ phải thanh toán xong nợ trước khi đủ điều kiện để nhận tài trợ trong bất kỳ dự án mới nào. Đây là một bước đi đúng hướng. Cần nhiều nỗ lực hơn nữa để chấn chỉnh đầu tư công tại các địa phương, tránh tình trạng đầu tư không hiệu quả.
Khuyến nghị của bà đối với Chính phủ Việt Nam?
Trên thực tế, tiến độ khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô đã được thực hiện khá tốt, lạm phát trở về một con số và tăng cường được các cân bằng bên ngoài. Một số lựa chọn chính sách quan trọng sẽ phải được thực hiện để tiếp tục duy trì đà ổn định tích cực này.
Trong đó, cần lưu ý, bất kỳ động thái nới lỏng chính sách tiền tệ nào trong tương lai, ngay cả khi điều kiện kinh tế cho phép, sẽ chỉ phát huy hiệu lực nếu các chức năng của thị trường tín dụng được phục hồi thông qua các cải cách ngành ngân hàng. Việc các ngân hàng có thanh khoản dồi dào nhưng lại thích đầu tư vào trái phiếu chính phủ chứ không phải cho vay ra nền kinh tế chính là một biểu hiện quan ngại về nợ xấu.
Chính phủ cũng đang phải đối mặt với một số lựa chọn chính sách tài chính quan trọng để làm sao cân bằng giữa việc cần có các biện pháp tài chính mạnh mẽ thúc đẩy đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách nhằm bù đắp nhu cầu khu vực tư nhân yếu hiện nay, trong khi vẫn phải theo đuổi củng cố tài khóa trong bối cảnh không gian tài khóa đang bị thu hẹp.
Để cân bằng, chính quyền cần làm sao đạt được cả mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng, hỗ trợ khu vực tư nhân trong ngắn hạn, đồng thời củng cố tài khóa trong trung và dài hạn.
Những nỗ lực để hỗ trợ tăng trưởng nên tập trung hơn vào việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh dài hạn của các DN, bao gồm việc thông qua hỗ trợ để nâng cấp công nghệ và đổi mới, phát triển kỹ năng và năng lực quản lý.
Hồng Dung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét